Dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm đến việc lực lượng CSGT – Công an TP Vinh (tỉnh Nghệ An) lập các tổ công tác mặc thường phục tuần tra, kết hợp lực lượng công khai để xử lý người không đội mũ bảo hiểm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo đó, khi phát hiện người vi phạm, lực lượng CSGT TP Vinh sẽ xuất trình thẻ ngành, chỉ ra lỗi vi phạm, yêu cầu kiểm tra hành chính theo quy định pháp luật. Người vi phạm được đưa đến tổ xử lý công khai để xử lý.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Công an TP Vinh cho biết, thời gian gần đây, địa bàn xuất hiện tình trạng nhiều thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy lạng lách gây mất an toàn giao thông. Thực hiện Thông tư 01 của Bộ Công an và Kế hoạch 212 của Công an tỉnh Nghệ An, lực lượng CSGT – Công an TP Vinh đã hóa trang thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, đồng thời qua đó nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Tuy nhiên, khi thấy việc CSGT – Công an TP Vinh mặc thường phục để xử lý vi phạm nhiều người dân đã có những ý kiến trái chiều khác nhau, tạo “làn sóng” mạnh mẽ trong dư luận.
Bàn về vấn đề trên, luật sự Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Căn cứ Thông tư 01/2016 của Bộ Công an ngày 04/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông của CSGT đã quy định lực lượng CSGT được phép mặc thường phục, kết hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, khi tuần tra kiểm soát kết hợp hóa trang thì lực lượng CSGT phải tuân thủ điều kiện:
a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;
b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật; Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;
c). Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích: Theo Điều 87, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ: CSGT đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đồng thời Chính phủ có quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Theo luật sư Thơm, thì quy định hiện nay các lực lượng có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt hành vi vi phạm không được tùy tiện dừng phương tiện mà chỉ được dừng kiểm tra, kiểm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm. Hơn nữa L
uật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 cũng đã quy định rõ “Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh” (điểm a khoản 1 điều 3).
“Về nguyên tắc, việc truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT không có quy định nào cấm. Tuy nhiên, xét cho cùng người vi phạm luật giao thông chỉ là lỗi hành chính, không phải là tội phạm nên việc truy đuổi nên cân nhắc lợi, hại khi thực hiện việc truy đuổi (lỗi vi phạm nhỏ, người vi phạm bỏ chạy trong lúc giờ cao điểm, đường đông đúc nếu truy đuổi có thể gây nguy hiểm cho người khác…).
Mặt khác, CSGT dùng mô tô truy đuổi người vi phạm cũng điều khiển mô tô bỏ chạy là những nguồn nguy hiểm cao độ rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân người trong cuộc và những người tham gia giao thông đi trên đường. Pháp luật đã nghiêm cấm hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác, trừ những trường hợp phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật”, luật sư Thơm bày tỏ về việc nếu CSGT mặc thường phục truy đuổi người vi phạm.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, lực lượng CSGT còn nhiều biện pháp khác có thể thực hiện để xử lý người vi phạm bỏ chạy như ghi lại biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm để sau đó truy xét, xử lý.
Đề cập đến việc CSGT mặc thường phục (hóa trang) dễ xảy ra “mãi lộ” như ý kiến của một số người dân, thì luật sư Thơm cho rằng: Khi tuần tra kiểm soát phải kết hợp bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, thì việc tuần tra kiểm soát có hóa trang kết hợp với công khai khó có thể xảy ra mãi lộ, lạm quyền vì khi thực hiện nhiệm vụ này đã được lãnh đạo phê duyệt kế hoạch một cách chặt chẽ, tùy thuộc vào tình hình trật tự an toàn giao thông trên từng địa bàn thành phố.
Tuy là quy định cho phép CSGT được quyền kết hợp hóa trang với công khai để tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông nhưng cũng cần phải thận trọng, hạn chế việc tuần tra kiểm soát trên đường phố. Bởi lẽ, khi áp dụng biện pháp này ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nhiều người dân không hiểu sẽ nghĩ rằng đang trấn áp tội phạm, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Mặt khác, nhiều trường hợp giả mạo việc CSGT hóa trang để thực hiện hành vi phạm tội, cưỡng đoạt tài sản của người vi phạm giao thông.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng: Không phải bất kì trường hợp nào lực lượng CSGT cũng được phép “hóa trang”. CSGT được mặc thường phục chỉ được thực hiện trong một số trường hợp trưởng phòng cảnh sát giao thông hoặc trưởng công an từ cấp huyện trở lên có kế hoạch cụ thể và phải kết hợp với tổ tuần tra, kiểm soát công khai.
Cảnh sát mặc thường phục không có thẩm quyền được dừng xe
và xử lý vi phạm, mà chỉ có lực lượng cảnh sát tuần tra, kiểm soát công khai mới được dừng xe của người vi phạm và xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc CSGT “hóa trang” để xử lý người vi phạm như cách làm của Công an TP Vinh là một “kẽ hở” để cho kẻ xấu lợi dụng, giả dạng công an nhằm thu lợi bất chính. Từ đó, sẽ gây mất an ninh, trật tự xã hội; khiến cho người dân hoang mang.
Nguồn: tin tức