Tuy xã hội hiện đại nhưng giới tính của thai nhi luôn luôn là điều khiến các ông bố, bà mẹ tò mò. Vậy giới tính của thai nhi được hình thành như thế nào nhỉ?
Thực tế thì giới tính thai nhi được xác định ngay sau khi thụ thai, thậm chí là khi bé chưa là một bào thai. Cặp nhiễm sắc thể 23 sẽ làm nhiệm vụ xác định giới tính em bé.
Chúng ta biết rằng trứng của một người mẹ mang nhiễm sắc thể X trong khi tinh trùng của nam giới mang nhiễm sắc thể X hoặc Y. Sự kết hợp XX sẽ cho ra một bé gái và sự kết hợp XY sẽ cho ra đời một bé trai. Như vậy, giới tính của em bé đã được xác định ngay từ giây phút tinh trùng gặp gỡ trứng.
Sự phát triển giới tính
Ở tuần thứ 9 của thai nhi các tuyến sinh dục của thai nhi sẽ phát triển thành tinh hoàn hoặc trứng. Sự phát triển cấu trúc cơ quan sinh dục nam phụ thuộc vào sự có mặt của testosterone trong phôi có chứa nhiễm sắc thể Y. Nếu testosterone vắng mặt, bộ phận sinh dục nữ sẽ phát triển. Ngoài testosterone, một hormone anti-Müller hoặc AMH cũng sẽ xác định sự phát triển cơ quan sinh dục ở thai nhi.
Ở bé gái sẽ xuất hiện một chồi nhỏ ở mô giữa 2 chân, chồi này sẽ trở thành âm vật, màng ngoài hình thành một đường rãnh dưới chồi và tách ra tạo thành môi âm hộ và cửa âm đạo. Khoảng 22 tuần, buồng trứng hoàn thiện và di chuyển xuống vùng chậu. Lúc này buồng trứng dã có khoảng 6 triệu trứng.
Ở bé trai, chồi sẽ phát triển thành dương vật. Chồi mọc dài ra vào khoảng tuần thứ 12. Màng ngoài phát triển thành túi bìu. Sau này tinh hoàn sẽ nằm trong túi bìu này. Đến tuần thứ 22, tinh hoàn đã hình thành trong bụng, đã có một lượng tinh trùng non nớt nằm trong tinh hoàn. Sau đó tinh hoàn sẽ chuyển đến túi bìu. Đến cuối thai kỳ hoặc sau khi bé được sinh ra, hành trình này mới kết thúc.
Thông thường, các bác sĩ có thể nhìn thấy chính xác giới tính thai nhi ở khoảng tuần thứ 12-14 thai kỳ nhưng chính xác hơn cả phải ở tuần thứ 16-18. Trên thực tế thì vào cuối tuần thứ 20, bộ phận sinh dục bên ngoài đã hình thành đầy đủ cả ở nam và nữ.