Tôi may mắn có 1 người mẹ chồng hiền lành phúc hậu. Mỗi quan hệ me chong nang dau của tôi khiến nhiều phụ nữ mở ước.. Quả đúng như vậy? Quê chồng tôi thuộc vùng trung du Bắc bộ, nằm ngay bên dòng sông Lô lịch sử, qua phà Đức Bác (Vĩnh Phúc) là sang đến đất Dữu Lâu (TP. Việt Trì, Phú Thọ). Ngày mới về làm dâu, nghe anh chị em trong nhà gọi mẹ là bầm, tôi thấy hay hay, chợt chớ đến hình ảnh người mẹ tảo tần được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong bài thơ Bầm ơi, viết năm 1948: Bầm ra ruộng cấy bầm run / Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non / Mạ non bầm cấy mấy đon / Ruột gan bầm lại thương con mấy lần…
1. Mẹ chồng tôi có tên cúng cơm là Đào Thị Thỉnh. Năm 1983, hơn hai tháng sau ngày cưới, lần đầu tiên tôi về ăn Tết ở quê chồng, đó cũng là lần thứ ba tôi gặp bầm. Năm ấy, bà 67 tuổi, hai hàm răng không còn nổi một chiếc. Tuy vậy, mẹ chồng tôi rất hiền và đẹp, vẻ đẹp phúc hậu của người đàn bà thôn quê với làn da trắng, mái tóc xoăn nhẹ điểm nhiều sợi bạc, sống mũi thẳng và cao, đôi mắt to tròn, dẫu thời gian đã làm cho cả hai mắt bà mờ đục. Đặc biệt, gương mặt của mẹ chồng tôi rất ấn tượng với nụ cười… móm mém. Vì dấu ấn đặc biệt này ở bà, sau khi sinh con trai đầu lòng, để xưng hô thay con, tôi gọi bà theo cách riêng của mình: bà Móm. Chẳng ngờ, tên gọi thân mật ấy gắn bó với bà và các thành viên trong gia đình suốt những năm sau này.

me-chong-toi1
Gần 70 tuổi, bà Móm không còn đủ sức cày cấy. Hàng ngày bà chỉ quanh quẩn ở nhà lo cơm nước, hoặc ra đồng chăn thả con bò, chăm con lợn, đàn gà. Thi thoảng bà cũng ra chợ đầu làng, qua đò sang chợ Dữu Lâu, có hôm lên tận chợ Tứ Yên (cách nhà 4-5 cây số), chủ yếu để bán buồng chuối, quả cau, gánh rau, hay bán yến ngô, đỗ, lạc… lấy tiền mua thịt cá, mắm muối, dầu hoả. Nhớ đêm đầu tiên ngủ ở quê chồng, tôi lạ nhà cứ trằn trọc mãi, khi vừa chợp mắt thì lại bị đánh thức bởi tiếng gà gáy. Đúng lúc ấy, sáng sớm mùa đông còn chưa rõ mặt người, tôi đã thấy bà Móm khẽ khàng mở cửa, xuống bếp nổi lửa nấu nước. Chỉ chốc lát sau đó, tôi nghe tiếng bà thì thầm với chị dâu: “Khẽ chứ, để nó ngủ…”. Lại có lần về quê, ngủ dậy tôi mới biết bà Móm thức giấc đi chợ từ sớm. Nửa buổi trở về, bà quẩy đôi quang gánh cất gọn góc sân, kéo tôi vào bếp và dúi vào tay mấy quả thị thơm nức. Một buổi chợ khác, bà mang về cho con dâu út mấy quả ổi. Những món quà quê của bà khiến tôi chực trào nước mắt và cảm thấy ấm lòng giữa gia đình thứ hai.

2. Trong gia đình chồng tôi, bà Móm không là trụ cột kinh tế, nhưng là chỗ dựa tình cảm cho cả nhà. Ngày ấy, bố đi bộ đội chống Pháp, sau khi bị thương trở về công tác tại địa phương, việc gia đình do một tay bà vun vén. Nhà đông con, mẹ hai mất sớm khi em út chưa đầy tuổi, thương bốn đứa trẻ mới chỉ như trứng gà, trứng vịt mà đã thiệt thòi, bà Móm lặng thầm ngày qua ngày bù đắp tình cảm cho chúng. Với sự đùm bọc và chăm sóc của bà, tám anh chị em trong gia đình lớn ấy cứ quấn quýt bên nhau và dần trưởng thành: Các con trai thì trở thành công an, bác sĩ, bộ đội; các con gái ở nhà làm ruộng và lấy chồng. Khi các cháu nội, cháu ngoại lần lượt ra đời, gánh nặng việc nhà trên vai bà nặng hơn, tình thương bà Móm dành cho các con, cháu cũng ngày càng lớn.
Chồng tôi kể rằng, thời anh học cấp 2 ở trường huyện, đêm nào bà Móm cũng canh tiếng gà gáy để dậy nấu cơm cho con mang theo đến trường. Đoạn đường từ Đức Bác lên phố huyện Lập Thạch xa hàng chục cây số, lại đi bộ nên bà luôn sợ con đến lớp muộn. Vì thế, nhiều hôm chỉ một con gà dở chứng, lũ gà trống đua nhau gáy ầm ĩ cả làng, bà Móm cũng lục cục dậy theo. Nấu xong cơm, bà chờ mãi thấy trời vẫn tối đen như mực, đành ngồi canh chừng để con được ngủ thêm. Lên cấp 3, vào trường Ngô Gia Tự, anh trọ học ở thị trấn Lập Thạch. Những ngày sau đó, cuối tuần anh về thăm nhà, bà lại lụi cụi chuẩn bị đủ thứ. Sáng thứ hai trở lại nhà trọ, trong hành trang anh mang theo, ngoài gạo, mắm, lạc, rau, thi thoảng còn có cả chút cá kho bà dành phần con ăn dần.

3. Tôi sinh con trai, bà Móm xuống Hà Nội chăm con và cháu. Ngày ấy vốn ham công tiếc việc, tôi vừa sinh con ítngày đã giấu chồng, làm đủ loại đồ chơi bằng phim ảnh, chờ bán dịp Tết Trung thu. Con được hơn một tháng, tôi vừa đi học, vừa ôm thêm việc thuyết minh phim, rồi cả nuôi lợn và gà công nghiệp. Nhìn con dâu người gầy rộc, một lần bà Móm rớt nước mắt, bảo: “Phụ nữ sinh con mà không kiêng cữ, sau này sẽ khổ. Bầm thương con lắm mà chẳng biết làm sao, chỉ có thể bế cháu”.

me-chong-toi
Trong câu chuyện với tôi ngày ấy, nhiều lần bà Móm hứa: “Con sinh thêm cháu, bầm sẽ lại xuống Hà Nội”.
Thế nhưng ông trời chẳng mãi cho bà sức khỏe. Hơn 7 năm sau, tôi sinh con trai thứ hai, bà Móm xuống chơi nhưng không còn đủ sức bế cháu. Công chức Hà Nội thời bao cấp tất thảy cùng khó khăn. Vợ chồng tôi tính kế chuyển vào Nam khi con nhỏ mới 6 tháng tuổi. Trước ngày chúng tôi đi, bà Móm dặn dò nhiều chuyện. Cầm tay con dâu, mắt ngấn nước, bà nói với vẻ áy náy: “Bố bầm chưa có gì để cho các con”. Nghe mẹ chồng nói vậy, tôi thật thà kể rằng: “Khi chúng con sửa nhà, bố đã bán và cho hẳn một con bò”. “Nhưng cũng chẳng đáng là bao”- bà nói. Cảm nhận được tình thương yêu của mẹ chồng, tôi động viên bà mà như nhủ với lòng mình: “Bầm đã cho con anh ấy”.
Năm 79 tuổi, sức khỏe đã yếu, bà Móm vẫn bước thấp bước cao lên máy bay vào TP. Hồ Chí Minh thăm con, cháu. Đúng ngày này, tôi và con trai nhỏ gặp tai nạn. Vượt qua tuổi tác với gần 2000 cây số, hội ngộ trong cảnh con dâu bó bột, cháu nội khâu môi, bà Móm không cầm được nước mắt. Gần một tháng sau, bà trở ra Bắc, để lại trong tôi nỗi ân hận cho đến tận bây giờ. Tôi đã không thể tự tay chăm sóc mẹ chồng trong những ngày bà lưu lại TP. Hồ Chí Minh.

4. Cuộc sống vợ chồng không tránh được những lúc giận hờn, anh em đôi khi trách móc. Để tự giải tỏa tâm lý, tôi thường nhớ tới bà Móm. Bởi luôn cảm thấy ấp áp khi ở bên bà nên đầu tháng 10/2002, đúng 10 ngày sau khi mẹ đẻ mất, tôi đòi chồng đưa về quê. Vừa về đến nhà, gặp bà Móm là nước mắt tôi tuôn chảy. Đêm đến, trong căn buồng phía đầu hồi, hai mẹ con tôi ôm nhau ngủ. Nửa đêm thức giấc, tôi nghe bà cố nén tiếng thở dài.
Hai mẹ con tôi còn có thêm nhiều đêm cùng ôm nhau ngủ. Cho tới giữa năm 2003, bà Móm trở bệnh nặng. Thời gian này, các con, cháu ở Hà Nội về thăm bà nhiều hơn. Một buổi tối, cả nhà đang ngồi ăn cơm ở phòng ngoài, như có linh tính, tôi chạy vào buồng thấy toàn thân bà co rúm, sau đó bà thổ ra máu rồi lịm dần trên tay chồng tôi. Chứng kiến cảnh ấy, tôi chạy ra ngoài khóc tức tưởi. Trong khoảnh khắc, tôi sợ ông trời cướp đi nốt người mẹ thứ hai và thấy nhớ mẹ đẻ da diết. Cố gắng cầm cự, đến gần cuối năm dương lịch thì bà Móm mất. Bao nhiêu ngày con cái túc trực ở bên, nhưng bà lại chọn đúng hôm vắng cả ba con trai để ra đi khiến các con đau xé lòng. Ngày đưa bà ra đồng, mấy chị con nhà bác ruột vòng tay ôm lưng tôi, khóc trong nước mắt: “Mất bà Móm thật rồi em ơi”. Tôi lặng người. Càng đau lòng trước hình ảnh khi mọi người đã cất những bước chân nặng nề ra về, chỉ còn lại một mình con trai tôi lặng lẽ khóc bên mộ bà.

Thấm thoắt đã 31 mùa Xuân trôi qua, tôi giờ đây đã trở thành mẹ chồng và lên chức bà nội được gần 4 năm. Như ngày mới về làm dâu, tôi vẫn thấy vui khi được ai cho quả thị. Những khi ấy, bao ký ức đẹp về bà Móm lại ùa về bên tôi. Trong thâm tâm, tôi muốn mình được như bà Móm và mong con dâu thật sự hòa đồng với gia đình chồng. Mọi ứng xử trong cuộc sống hiện đại đều khó hơn xưa, nhưng từ trải nghiệm trong chính cuộc đời làm dâu của mình và từ chính cuộc sống hôm nay, tôi cảm nhận rằng, cả tôi và con dâu đều đang cùng cố gắng. Và, khi mọi thành viên trong gia đình đều biết lắng nghe, biết sẻ chia và hỗ trợ nhau, thì khoảng cách mẹ chồng- nàng dâu sẽ khó tồn tại.