Tiến thoái lưỡng nan trong một cuộc hôn nhân bế tắc? Hôn nhân không hạnh phúc cũng không phải là sự bế tắc như người ta vẫn nghĩ mà chỉ đơn giản là do người trong cuộc chưa dám đưa ra quyết định, chưa dám đối mặt với những vấn đề của cuộc hôn nhân đó mà thôi. Thay vì vậy, họ chọn sự cam chịu, nhẫn nhịn và lẩn tránh. Chính việc lẩn tránh đó khiến cuộc hôn nhân trở nên bế tắc.
Tất cả các cuộc hôn nhân không hạnh phúc đều có vấn đề của riêng nó. Và mỗi người trong cuộc đều phải đối mặt với vô số những trách nhiệm, khó khăn giống nhau trước khi đưa ra một quyết định: làm cho cuộc hôn nhân đó trở nên tốt đẹp hơn – tiếp tục gắng gượng hay ly hôn?
Tổng thống Putin từng nói: “Bản chất của hôn nhân là hướng đến hạnh phúc. Ly hôn là cách giải quyết tốt nhất cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc”. Nếu nhìn nhận hôn nhân là hạnh phúc được vun đắp từ hai phía thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn so với việc nhìn nhận hôn nhân là những trách nhiệm, hy sinh và cam chịu.
Chính bởi con người có xu hướng đổ lỗi và trách nhiệm cho nhau khi hôn nhân rạn vỡ nên họ mới cảm thấy vô cùng khó khăn khi đứng trước những sự lựa chọn. Nếu đôi bên cùng muốn cứu vãn, vun đắp cuộc hôn nhân thì đó là điều tốt. Bởi hôn nhân hạnh phúc không chỉ có một người vun, còn mộtngười phá. Nếu một trong hai không còn thấy hạnh phúc nữa muốn ra đi, nhưng những trách nhiệm gia đình buộc họ không thể ly hôn, thì cuộc hôn nhân đó bỗng nhiên trở thành gánh nặng và nhà tù giam lỏng. Thậm chí có những cặp vợ chồng dù đã không còn tình cảm với nhau, mỗi người đi tìm niềm vui bên ngoài, nhưng vẫn không thể ly hôn để duy trì một cuộc hôn nhân chỉ còn cái vỏ trong mắt người xung quanh. Cảnh “đồng sàng dị mộng” khiến gia đình không còn là gia đình theo đúng nghĩa, cái nhà trở thành cái nhà trọ cho hai vợ chồng.
“Ly hôn là sự lựa chọn tốt nhất cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc”
Nhiều người cho rằng xã hội Á Đông không giống với phương Tây. Ở các nước phương Tây, việc ly hôn là chuyện bình thường nhưng ở Việt Nam, ly hôn như một điều gì đó kinh khủng và tồi tệ lắm.
Vấn đề ở chỗ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam mang nặng định kiến của xã hội. Họ nghĩ rằng khi họ kết hôn, đồng nghĩa với việc họ sẽ gửi gắm cả cuộc đời và trao cả hạnh phúc của bản thân cho đối phương. Chính việc không tự chủ được hạnh phúc của bản thân khiến nhiều phụ nữ đánh mất chính mình. Những người phụ nữ này thường ở trong thế bị động và dựa dẫm.
Họ không thể tự chủ được với cuộc sống cá nhân, không dám đối mặt với những vấn đề tồi tệ trong cuộc sống nói chung và hôn nhân nói riêng, luôn tìm cách bao biện cho những nỗi sợ và sự lẩn trốn bằng những trách nhiệm và hy sinh. Thật ra thâm tâm họ nắm rõ hơn ai hết mặc dù lý trí mách bảo họ: “Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi”; “Mình phải sống vì con cái” nhưng tận sâu trong đáy lòng họ luôn gào thét muốn thoát ra khỏi cảnh sống hôn nhân bế tắc.
Xã hội thời nào cũng vẫn có những định kiến, nhưng nếu cứ luôn để những định kiến xếp hình cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc. Hạnh phúc của mỗi người do bản thân họ cầm nắm. Đừng dựa dẫm và gửi gắm hạnh phúc cho bất kỳ ai, bởi như vậy là bạn đã đánh mất chính mình – mất mát lớn nhất của đời người.
Ly hôn đâu phải là chấm dứt cuộc đời?
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cưới xin với họ là một việc rất trọng đại, nhưng ly hôn với họ lại rất dễ dàng. Trong khi đó ở Việt Nam, con người ta lại coi nhẹ việc kết hôn, nhưng họ lại đề cao, nghiêm trọng hóa ly hôn.
Do đâu người Việt lại coi nhẹ việc kết hôn? Vì định kiến, vì sợ những lời đồn thổi của hàng xóm, vì áp lực gia đình mà họ sẵn sàng nhắm mắt đưa chân, cưới một người họ không yêu hoặc cưới khi chưa sẵn sàng chỉ vì gia đình thúc giục. Họ sợ cái tiếng “ế” người đời dành cho họ. Họ sợ phải chờ đợi. Họ mất hy vọng vào tình yêu. Họ sẵn sàng yêu vội một người vì sợ sự cô đơn.
Nhưng họ lại đặt nặng vấn đề ly hôn. Ly hôn với người Việt như một việc gì đó to tát, kinh khủng lắm. Nhiều người nghĩ ly hôn như ngày tận thế. Họ sợ phải đối mặt với sự đổi thay mà gồng mình chịu đựng, gắng gượng một cuộc hôn nhân không khác gì địa ngục trần gian.
Trách nhiệm với con cái là lý do lớn nhất cản trở họ, hoặc đó là lý do phổ biến mà con người dùng để ngụy biện cho sự gắng gượng của mình. Họ muốn con cái họ có đủ cả cha lẫn mẹ, có một mái nhà với đủ thành viên, nhưng họ không biết rằng con cái họ cần một gia đình đích thực sự, chứ không phải đơn giản chúng chỉ cần có đủ cả bố và mẹ trên danh nghĩa.